Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Các hạng mục xây dựng, mở rộng khu chùa mới được các đại biểu tham dự đại lễ Phật đản thế giới 2008 làm lễ khánh thành giai đoạn 1, năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Dự kiến, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km.
-
Tour Du Lịch Bái Đính - Tràng An
Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm... các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng... để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.
Điều đặc biệt ở công trường xây dựng chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. khách thăm quan có thể đi bất cứ nơi nào để quan sát các bộ phận công trình đang hình thành.
Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực. Tính đến ngày 6/6/2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Ngày 28/2/2012 chùa có thêm 2 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập. Những kỷ lục của chùa Bái Đính được xác lập gồm:
- Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
- Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
- Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
- Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
- Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
- Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngoài thời gian trên trong năm, Lữ khách chỉ có thể vãn cảnh chùa mà không được thăm thú các hoạt động văn hóa của lễ hội.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông khách thăm quan tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.